Sư phụ của những huyền thoại đầu tư Warren Buffett, George Soros … Là ai ?- Philip Fisher
Một trong những độc giả đã lĩnh hội phương pháp và thần tượng Fisher, nổi tiếng cũng như thành công nhất có thể kể đến là Warren Buffett. Buffett đã tìm gặp bằng được Fisher ngay sau khi đọc cuốn sách vì ông ấn tượng trước những gì mà cha đẻ học thuyết tăng trưởng đã chia sẻ.
Hay một nhà đầu tư khác, cũng đã tìm thấy đằng sau những ý tưởng của Fisher là cả một kho báu thật sự và thành công nhờ áp dụng chúng là Ken Fisher- con trai và cũng là một nhà tỷ phú tự thân có điểm xuất phát như Buffett.
Dưới đây sẽ là 3 tiêu chí quan trọng mà có lẽ cả Buffett và Ken Fisher đều áp dụng mỗi khi ra quyết định có hay không đầu tư của “người thầy chung” Philip Fisher.
Tiêu chí 1: Biên lợi nhuận của công ty như thế nào?
Ảnh: chân dung Philips Fisher
Đây là một chủ đề được giới tài chính coi như xương sống của các quyết định đầu tư bền vững. Trên quan điểm của nhà đầu tư, doanh thu chỉ có giá trị khi làm tăng lợi nhuận. Doanh thu tăng không có nghĩa là lợi nhuận sẽ tăng lên tương ứng. Bước đầu tiên để xác định lợi nhuận là nghiên cứu biên lợi nhuận của công ty, tức xác định lợi nhuận trên doanh thu.
Sẽ có sự khác biệt lớn giữa các công ty khác nhau ngay trong cùng một ngành và nên tiến hành bước nghiên cứu này không chỉ một năm mà là nhiều năm.
Trong thời kỳ thịnh vượng, hầu hết các công ty đều đạt được biên lợi nhuận rộng hơn, và chính các công ty từng có biên lợi nhuận thấp được đặc biệt chú ý hơn vì có tỷ lệ tăng cao.
Có thể lý giải điều này bằng một phép toàn đơn giản. Hãy tưởng tượng hai công ty có cùng quy mô mà trong thời kỳ hoạt động bình thường đều bán cùng một loại sản phẩm với giá 10 xu. Công ty A thu được lợi nhuận 4 xu/sản phẩm (chi phí mất 6 xu) và công ty B là 1 xu/sản phẩm (chi phí mất 9 xu). Bây giờ, giả sử chi phí và quy mô vẫn giữ nguyên nhưng hiện tại nhu cầu tăng thêm khiến giá tăng lên 12 xu.
Lúc này, công ty A sẽ tăng lợi nhuận từ 4 xu lên 6 xu, tương đương tăng 50% lợi nhuận, nhưng công ty B lại thu được lợi nhuận 3xu/sản phẩm, mức tăng thêm 300%.
Điều này dẫn đến thực tế là trong một năm kinh doanh thuận lợi, những công ty yếu thế thường gia tăng phần trăm thu nhập cao hơn những công ty mạnh trong cùng lĩnh vực. Dù vậy, cần phải tỉnh táo cân nhắc quyết định đầu tư vì những thu nhập kiếm được nhanh chóng theo kiểu như vậy dễ bị sụt giảm khi hoạt động kinh doanh đi xuống.
Vì lý do này, Fisher tin rằng không thể đạt được lợi nhuận cao nhất trong dài hạn khi đầu tư vào các công ty có biên lợi nhuận thấp. Lý do duy nhất để xem xét việc đầu tư dài hạn các công ty có biên lợi nhuận thấp là khi xuất hiện những dấu hiệu chắc chắn cho thấy sự thay đổi mang tính cốt lõi sắp xảy ra trong công ty.
Như việc ban quản lý hoạt động hiệu quả hơn, cắt giảm tổng chi phí hoặc phát triển các sản phẩm mới. Song, một số công ty cũng sẽ chủ động giữ mức biên lợi nhuận ở mức thấp do phải tài trợ cho việc nghiên cứu, khuyến mãi hay tiến hành những hoạt động cần vốn khác vì mục đích tương lai vẫn sẽ là một khoản đầu tư cực kỳ hấp dẫn.
Tuy nhiên, trừ các trường hợp ngoại lệ này, Fisher cho rằng nhà đầu tư nên tránh xa những công ty đang có biên lợi nhuận thấp hoặc bằng không.
Tiêu chí 2: Liệu công ty có những sản phẩm và dịch vụ đủ tiềm năng thị trường đủ lớn để tăng doanh thu ít nhất trong vài năm tới không?
Không phải là không có cách nào để kiếm lợi nhuận một lần từ những công ty mà đường doanh thu không tăng, thậm chí là đi xuống. Kết quả hoạt động kinh doanh thu được từ việc kiểm soát tốt chi phí có thể tạo đủ sự tăng trường lợi nhuận thuần của công ty, góp phần làm tăng giá cổ phiếu.
Và cách tìm kiếm lợi nhuận như vậy trên thị trường chứng khoán được rất nhiều nhà đầu cơ hay những người săn cổ phiếu giá rẻ ưa chuộng. Tuy nhiên nó không đem lại mức lợi nhuận đủ để có thể hấp dẫn những người khao khát thu được lợi nhuận tối đa từ số tiền mà họ bỏ ra đầu tư.
Có một kiểu tình huống khác, tuy cũng không thể mang lại lợi nhuận tối đa nhưng đôi khi giúp nhà đầu tư kiếm được một khoản lớn hơn rất nhiều. Nó xuất hiện khi có một điều kiện thay đổi mở ra một giai đoạn tăng trưởng doanh thu mạnh cho công ty trong vài năm, nhưng sau đó sẽ ngừng.
Điển hình là ví dụ về những gì đã xảy ra với rất nhiều hãng sản xuất radio, khi tivi xuất hiện và phổ biến. Doanh thu trong ngành liên tục tăng cao trong vài năm. Tuy nhiên, đến năm 1957, có đến 90% các hộ gia đình sử dụng điện ở Mỹ là có tivi, do vậy đường doanh thu đã bão hòa và trở lại trạng thái ổn định.
Những người sớm đầu tư vào cổ phiếu ngành này trước khi đường doanh thu tăng trưởng vượt ngưỡng đã thu được một khoản lợi nhuận kếch xù. Sau đó khi đường doanh thu thăng bằng trở lại thì những cổ phiếu của ngành này không còn hấp dẫn như trước nữa.
Việc đánh giá chính xác đường doanh thu trong dài hạn là cực kỳ quan trọng đối với nhà đầu tư. Một sự đánh giá thiển cận, thiếu thận trọng có thể dẫn đến những kết quả sai lầm. Luôn có tính không ổn định trong chu kỳ kinh doanh, do đó nhà đầu tư không nên đánh giá sự tăng trưởng theo từng năm một, mà nên đánh giá theo chu kỳ vài năm một.
Ngoài ra, nếu công ty được quản lý tốt, ngành mà công ty tham gia chú trọng tới việc nghiên cứu phát triển và kết hợp công nghệ, thì những nhà đầu tư khôn ngoan nên ý thức rằng rất có khả năng ban quản lý có thể điều hành công việc để tạo ra trong tương lai đường doanh thu lý tưởng khi chọn một công ty thực sự đáng đầu tư.
Tiêu chí 3: Công ty có quyết tâm tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm mới, nhằm gia tăng hơn nữa tổng doanh thu trong khi tiềm năng tăng trưởng của dòng sản phẩm hấp dẫn hiện tại đã bị khai thác quá nhiều?
Những công ty có triển vọng tăng trưởng trong một vài năm tiếp theo do nhu cầu mới về các dòng sản phẩm hiện tại, nhưng không có chính sách hay kế hoạnh để tiếp tục phát triển thường chỉ mang lại khoản lợi nhuận một lần.
Những công ty này không có khả năng cung cấp phương tiện để đạt được lợi nhuận bền vững trong vòng 10 hoặc 25 năm, mặc dù đây mới là con đường chắc chắn nhất dẫn đến thành công. Muốn đạt được sự tăng trưởng đó, các công ty cần có nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật, nhằm cải tiến các sản phẩm cũ và phát triển các sản phẩm mới.
Nhà đầu tư thường thu được những lợi nhuận cao nhất từ những công ty coi trọng việc nghiên cứu và cải tiến công nghệ nhằm triển khai những dòng sản phẩm mới có liên quan đến phạm vi hoạt động của công ty.
Điều này không có nghĩa là một công ty đáng đầu tư sẽ phải có nhiều bộ phận, trong đó một số sản xuất những dòng sản phẩm hoàn toàn khác biệt. Điều này có nghĩa đặt việc nghiên cứu ở vị trí trung tâm, giống như một cái cây vươn ra nhiều nhánh từ thân của nó, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu một công ty kinh doanh những dòng sản phẩm mới không liên quan đến hoạt động chính của công ty, mà nếu thành công thì cũng là trong những ngành hoàn toàn khác biệt với hoạt động kinh doanh hiện có.