Skyway là gì ? Skyway lừa đảo không? Toàn cảnh “Bóng ma” Skyway và cú lừa triệu đô
Skyway là gì ? Skyway lừa đảo không? Toàn cảnh “Bóng ma” Skyway và bánh vẽ triệu đô. Chúng ta sẽ đón chào hàng ngàn triệu phú USD hay có thêm 1 siêu dự án lừa đảo.
Những câu chuyện Về BitConect, Sky minning – Sharrk Tâm, Pin coin – Tuấn Cam,… chưa bao giờ dừng lại. Nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác và những con cừu chỉ may mắn chưa gặp con sói này này để nằm trong tầm mắt con sói khác. Nếu người bị lừa xứng đáng chịu đau khổ bởi khờ dại và lòng tham của họ, thì đó đúng là quy luật của tạo hóa. Nhưng nếu Bố mẹ, vợ chồng, con cháu, thân nhân bạn bị lừa, thì bạn sẽ không tránh khỏi liên lụy. Nếu bạn không muốn vạ lây thì tốt nhất hãy giúp thân nhân bạn có thêm kiến thức. Khi hiểu biết – con người xứng đáng KHÔNG THỂ BỊ LỪA. Bạn có thể giúp mọi người bằng cách share thông tin chính thống hoặc bạn hoàn toàn có quyền không share gì cả!
Phần 1 :Tập đoàn Skyway và “bánh vẽ” trở thành triệu phú USD chỉ trong vài năm
Trở thành triệu phú USD chỉ trong vài năm, có thể mua cổ phần với mức chiết khấu lên tới vài chục lần… là lời quảng cáo, hứa hẹn hấp dẫn của Tập đoàn Skyway đến Belarus.
Theo quảng cáo, Skyway chuyên phát triển công nghệ vận tải trên không. Tập đoàn này đang chào bán số lượng lớn cổ phiếu theo 15 giai đoạn để huy động vốn thực hiện các dự án của mình. Ai cũng có thể mua cổ phiếu của Skyway để trở thành nhà đầu tư, kể cả trẻ em.
“Nếu muốn sở hữu cổ phần của Tập đoàn skyway thì có nhiều gói phù hợp với nhu cầu cá nhân. Gói thấp nhất là gói 250 USD mua được 6250 cổ phần, được Ủy ban Tài chính định giá 1 USD khi chào sàn.Khi niêm yết với giá chào sàn là 1 USD trở lên thì cuối phiên sẽ không phải là 1 USD nữa” – đại diện Tập đoàn nói.
Theo như lời đại diện Tập đoàn Skyway đến từ Belarus xa xôi, thì cổ phiếu tăng giá gấp hàng trăm lần sau mỗi giai đoạn phát hành. Tin lời quảng cáo, đã có hàng trăm nghìn nhà đầu tư tại Việt Nam vội vã bỏ tiền ra mua cổ phiếu, để nhanh chóng trở thành triệu phú đô la mà không kịp tìm hiểu xem tập đoàn này có được phép bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam hay không.
Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết: Theo quy định, một tổ chức nước ngoài muốn chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam phải được sự cấp phép của Ủy ban Chứng khoán và Nhà nước, phải đáp ứng đủ 7 điều kiện. Tuy nhiên, Tập đoàn Skyway chưa đáp ứng được một điều kiện nào và cũng chưa được cấp phép.
Không được cấp phép, Skyway cũng không có bất cứ dự án nào tại Việt Nam, cũng không có văn phòng, trụ sở hợp pháp. Thế nhưng, tập đoàn này vẫn ngang nhiên tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để lôi kéo các nhà đầu tư mua cổ phiếu. (Theo VTV)
Phần 2 :“Bóng ma” Skyway và bánh vẽ sở hữu triệu đô
Skyway, từ cái nhìn đầy tích cực
Cha đẻ của dự án này, ông Anatoly Yunitskiy là một kỹ sư, tác giả và một nhà khoa học người Nga gốc Belarus đã lên ý tưởng về dự án từ năm 1977.
Một số thông tin quảng cáo cho biết, Skyway là bước đột phá mới trong ngành giao thông thế giới. Skyway không phải là dự án đơn thuần, mà đã được dựng thành những thước phim lịch sử và viết thành sách khoa học. Skyway được báo chí, truyền hình thường xuyên đưa tin suốt nhiều năm qua ca ngợi về mô hình giao thông công nghệ hiện đại thế hệ mới của tương lai, tiết kiệm thân thiện môi trường.
Không những thế, đây được cho là công nghệ giao thông độc quyền, chi phí rẻ, tốc độ cao mà thế giới đang hướng tới. Theo lý thuyết của dự án này, tốc độ vận hành tối đa 100 – 150km/1h (nội thành), 500 km/h (ngoại thành, liên tỉnh).
Cũng chính từ đó, Skyway Group (là một thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm các công ty tập trung tại Belarus) được ra đời. Để phát triển dự án thành công và mang công nghệ Skyway đến toàn thế giới, đơn vị này đã tiến hành gây quỹ cộng đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu.
Điều đáng nói, nhóm công ty này được đăng ký dưới tên kinh doanh bao gồm “Euroasian Rail Skyway Systems Ltd.”, “First Skyway Invest Group Limited” và “Đầu tư vận tải toàn cầu Inc” ở những nơi như Quần đảo Virgin thuộc Anh, London, Minsk và Saint Lucia. Mục đích các công ty này đang tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng trên toàn thế giới để phát triển công nghệ.
Mặc dù các quốc gia như Úc, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Litva đã tiến hành đàm phán với Tập đoàn này, nhưng câu chuyện này bị tạm hoãn với một lý do lo ngại về sự an toàn và những bất thường về tài chính của dự án.
Theo đó, thông tin của một tờ báo cho biết, Cơ quan thị trường tài chính của New Zealand (FMA) đã từng cảnh báo các nhà đầu tư của Skyway Capital và Tập đoàn Skyway vào đầu tháng 7/2018. Với lý do, công ty và các cộng sự đang cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân New Zealand thông qua phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện khác không được đăng ký là nhà cung cấp dịch vụ tài chính; Đồng nghĩa với việc đơn vị này không được phép cung cấp các dịch vụ như vậy ở trong nước.
… Đến những cảnh báo tiêu cực về Skyway Capital
Được biết, Skyway Capital hoạt động thông qua trang web: www.Skyway.capital. Theo trang web, nhiệm vụ chính của công ty là hỗ trợ dự án Skyway, một hệ thống giao thông sáng tạo.
Thông qua trang web và các nền tảng truyền thông xã hội, công ty này đang tìm kiếm nguồn tài trợ cho dự án. Nội dung trang web tuyên bố: “Chúng tôi không tìm kiếm nhà tài trợ, chúng tôi đề nghị bạn tạo vốn cá nhân từ sự tăng trưởng của cổ phiếu và nhận cổ tức trọn đời trong tương lai”.
Bản thân công ty này cũng công khai địa chỉ ở số 10 Great Russell Street, London, Vương quốc Anh WC18 3BQ, và một địa điểm khác tại Nga số 22 Schipok str., Bldg. 1, Matxcơva.
Cũng theo tờ báo này cho biết, FMA không phải là cơ quan giám sát đầu tiên “gắn cờ” các hoạt động của Skyway Capital. Trên thực tế, các cơ quan quản lý ở Bỉ, Litva và Estonia đều đã cảnh báo về các hoạt động của công ty và các cộng sự trước đó.
Các dịch vụ tài chính và thị trường Authority (FSMA) tại Bỉ cảnh báo chống lại công ty vào tháng 9/2017. Trong đó nội dung có nêu: “Hơn nữa, chương trình bởi Skyway Capital thể hiện các đặc điểm của hình tháp ảo (đa cấp…”
Cả ba cơ quan quản lý đều cảnh báo các nhà đầu tư rằng công ty này không được phép phát hành cổ phiếu tại quốc gia của họ và khuyên nên thận trọng cho các nhà đầu tư khi giao dịch với Skyway Capital.
Hơn nữa, Ngân hàng Litva đã từng đưa ra cảnh báo sự “mập mờ” về công ty này vào tháng 8/2017. Đồng thời ngân hàng này cũng đã từng thông báo cho Cơ quan giám sát thị trường tài chính của Vương quốc Anh.
Skyway nhiều rủi ro, không an toàn
Tờ Economictimes từng viết: “Các chuyên gia cho biết, một nguyên mẫu trước đó có một công nghệ tương tự cũng đã được thử nghiệm ở Nga, nhưng dự án này đã bị loại bỏ sau khi đánh giá của Đại học Đường sắt Nhà nước ở Moscow vào năm 2008 cho thấy không khả thi và không an toàn…”
“Báo cáo nói rằng, công nghệ đường ray dây chuyền chứa đầy số lượng lớn lỗi hệ thống và (gần như) không thực tế vì nó không thể cung cấp một đường dẫn đồng đều cho hệ thống giao thông. Hành khách di chuyển trên một độ cao nhất định so với mặt đất. Thế nên, chỉ một chút hư hỏng ở bất kỳ dây chuyền nào cũng sẽ dẫn đến tử vong. Hệ thống có mức độ rủi ro rất cao. Trước đó vào năm 2016, hội đồng chính phủ Nga đã đánh giá công nghệ này là tân tiến nhưng chỉ trên lý thuyết”, báo economictimes viết.
Vào năm 2014, một cuộc đàm phán giữa Tập đoàn Skyway và thành phố Siauliai ở Litva được diễn ra, một thỏa thuận đầu tư đã được ký kết và một mảnh đất đã được giao trước để xây dựng một cơ sở thử nghiệm Skyway và tiền đã được Skyway chuyển vào tài khoản ngân hàng của thành phố. Thị trưởng của Siauliai sau đó đã bị chỉ trích vì đàm phán với Tập đoàn Skyway. Đến cuối năm 2014, ông được chỉ thị hủy bỏ các cuộc đàm phán.
Cũng trong năm này, văn phòng Tổng công tố Litva đã bắt đầu một cuộc điều tra trước khi xét xử vì nghi ngờ gian lận tài chính có thể xảy ra bởi Skyway. Cuộc điều tra này cuối cùng đã kết thúc gần ba năm sau khi họ không thể tìm thấy đủ bằng chứng để truy tố công ty.
Vào tháng 8 năm 2018, Skyway và các cổ đông đã kiện chính phủ Litva vì thiệt hại cho danh tiếng của công ty. Tòa án khu vực Vilnius đã bác bỏ tuyên bố này vào tháng 12/2018 phán quyết rằng, có đủ cơ sở để mở cuộc điều tra trước khi xét xử “.
Năm 2016 tại Nam úc, Skyway đã đàm phán với Đại học Flinder để xây dựng một tuyến đường dài 500m với giá 13 triệu đô la Úc dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng giao thông nhà nước cũ Rod Hook (người làm việc cho Skyway với tư cách là cố vấn cơ sở hạ tầng). Thế nhưng, cuộc đàm phán này cuối cùng đã bị hoãn vô thời hạn vào tháng 8/2018.
Vào tháng 5/2017, một bản ghi nhớ đã được ký bởi bộ trưởng bộ phát triển đô thị của bang Bắc Ấn Độ Himachal Pradesh với một trong những công ty của Tập đoàn Skyway. Chỉ sau 2 tháng, Thời báo Kinh tế đã báo cáo rằng chính phủ đã bị chỉ trích vì đàm phán “với một công ty không có dự án hoạt động ở bất cứ đâu trên thế giới” và những nghi ngờ đã được đặt ra về sự an toàn và khả thi của dự án.
Đến đầu năm 2018 một cuộc đàm phán khác được diễn ra ở Ý. Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa San Marino đã ký Bản ghi nhớ tại EcoTechnoPark ở Belarus vào tháng 3/2018 để xây dựng tuyến San Marino-Rimini. Thị trưởng thành phố Sicilia Messina cũng sử dụng “xe điện bay” của Skyway để quảng bá cho chiến dịch bầu cử của mình. Cả hai cuộc đàm phán đã bị hủy bỏ vì những lo ngại về chính trị địa phương và bởi cơ quan quản lý của Ý.
Một bản ghi nhớ khác cũng đã được ký kết với Đại học Indonesia ở Tây Java để xây dựng “những chuyến tàu trên bầu trời” trong khuôn viên trường. Các kế hoạch cũng được thực hiện ở Kalimantan. Thế nhưng sau đó, các thành viên của công chúng phàn nàn về việc bán các sản phẩm đầu tư và đàm phán đáng ngờ cuối cùng đã bị hủy bỏ vào năm 2018.
Tháng 2/2019, một Bản ghi nhớ đã được Cơ quan Giao thông và Đường bộ (RTA) của Dubai, UAE ký kết với “Công ty Skyway Greentech” để phát triển “bầu trời”. Đến tháng 3/2019, Brianza – một khu vực ở vùng Tây Bắc, Ý – đã mời Skyway trình bày một dự án khả thi cho một tuyến cáp treo giữa Cologno Monzese và Vimercate. Do những tranh cãi xung quanh công ty, các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại.
Vào tháng 4/2019, ông Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum – Phó Chủ tịch kiêm Thủ tướng của UAE và Người cai trị Dubai, đã phê duyệt một hệ thống vận chuyển Skyway có chiều dài 15km, bao gồm 21 trạm và liên kết các điểm quan trọng ở Dubai mà đã bị cảnh bảo trước đó.
Còn ở Việt Nam, Skyway đang ngày càng nở rộ và len lỏi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tại Hà Nội, các nhóm nhà đầu tư dự án này hoạt động rầm rộ và tăng cường lôi kéo “con mồi”. Nhóm đầu tư Skyway liên tục tổ chức các cuộc hội thảo, giới thiệu dự án, khiến giới quan tâm đầu tư như rơi vào “ma trận” cổ phần đa cấp.
Thậm chí, đầu tháng 5/2019, ông Anatoly Yunitskiy – Chủ tịch tập đoàn đã cất công sang Việt Nam, để giới thiệu Skyway – công nghệ vận tải đường ray dây trên cao. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, công nghệ Skyway là một gợi ý cho việc ứng dụng triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải đánh giá trên nhiều yếu tố cả về mức độ phù hợp, chất lượng và tài chính.
Phần 3 :Đột nhập hang ổ “cò” đầu tư Skyway
Câu chuyện của nhà tỷ phú Skyway “ảo”
Để lôi kéo “con mồi”, các cò đầu tư cho biết, Skyway sẽ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) sau khi trải qua 15 giai đoạn. Tuy nhiên, chưa biết thời điểm nào sẽ kết thúc giai đoạn 15 và Skyway lên sàn chứng khoán.
Thế nhưng, các nhà đầu tư cho biết, Skyway không hề có trụ sở hay đại diện tại Việt Nam. Việc hoạt động của chương trình này đều thông qua các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần Skyway, chia hoa hồng và hoạt động kiểu mô hình kinh doanh đa cấp.
Tiếp cận với một vài nhà đầu tư mua cổ phần Skyway, sau nhiều cuộc điện thoại, cuối cùng chúng tôi hẹn gặp được Nguyễn Cao Cường (sinh năm 1981). Cường được giới thiệu là một tay đầu tư Skyway siêu hạng.
Vừa gặp chúng tôi, Cường nhanh nhảu giới thiệu bản thân cùng hai người bạn đồng hành đầu tư, cùng với bản CV hoành tráng khi đã đầu tư hàng trăm nghìn USD mua cổ phần.
Bắt đầu câu chuyện về đầu tư mua cổ phần Skyway, Cường vỗ ngực khoe: “Anh là người trực tiếp trải nghiệm qua bên đấy (Liên Bang Nga – PV), để cho em thấy tính chính xác và có niềm tin nhiều hơn. Anh là người chia sẻ trải nghiệm và niềm tin của anh thôi”.
Cường cho biết, dự án Skyway được ông Yunisky – một nhà khoa học Nga (gốc Belarus) nghiên cứu và phát minh từ năm 1977. Sau đó, năm 2013, Tập đoàn Skyway được định giá bởi các cơ quan chức năng và công ty thẩm định giá quốc tế cho thời gian từ năm 1977 đến 2013 là 400 tỷ USD. Năm 2014, tập đoàn phát hành là 400 tỷ cổ phiếu, phía tập đoàn giữ lại 267 tỷ cổ phiếu, bán ra ngoài công chúng là 133 tỷ cổ phiếu.
“Bây giờ nói Skyway ai cũng biết. Đôi khi gặp mặt, anh nói có một cái đầu tư thì họ đã hỏi ngay có phải Skyway không”, Cường chém gió nhiệt tình về sức hút của Skyway.
Tiếp đó, Cường thao thao bất tuyệt về dự án Skyway rằng đây là 1 dự án công nghệ “con đường trên cao”, sẽ thay đổi cách thức vận tải… Chỉ vào máy tính, Cường suýt xoa nói về mô hình vận tải Skyway: “Anh sang đấy và trèo lên con này ngồi rồi, chứ không phải mô phỏng nữa”.
Cường cho biết, năm 2018 anh ta cùng một nhóm nhà đầu tư Việt Nam đã sang Liên Bang Nga xem mô hình Skyway chạy thử. Ở Việt Nam, Tập đoàn Skyway không có trụ sở hay văn phòng đại diện.
“Khi chạy thật thì không còn cơ hội đầu tư cho anh em mình nữa. Đây là trần nhà khu triển lãm, có triệu cái tên của những người đã tin đầu tư từ lúc còn sơ khai và được vinh danh trên bảng vàng. Như anh Nguyễn Văn Tâm đầu tư từ giai đoạn đầu, giờ có 110 triệu cổ phiếu”, Cường chèo kéo con mồi.
Theo lời tay trùm đầu tư này, Skyway kêu gọi vốn có 15 giai đoạn, hiện đang là giai đoạn 13.2. “Đây là quỹ Skyway capital, hiện đã có 400.000 nhà đầu tư ở trên 200 quốc gia”, Cường nói.
Tiếp lời, Cường cho biết, anh ta sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư từ khâu lập tài khoản, cũng như việc thanh toán tiền mua cổ phần Skyway. Thậm chí, Cường còn đóng vai trò quản lý giúp tài khoản Skyway, chỉ cần nhà đầu tư chuyển tiền thì anh ta sẽ “giúp đỡ” từ A-Z việc mua cổ phần. Khi tôi ngỏ ý muốn hỏi cách thức thanh toán tiền để mua cổ phần Skyway, Cường tỏ vẻ không hài lòng.
“Việc đẩy tiền bọn anh sẽ hỗ trợ em, khâu còn lại rất đơn giản. Em chuyển tiền qua ngân hàng hoặc Internet Banking cho anh, sau đó anh sẽ mua Perfect Money hoặc Bitcoin (đồng tiền ảo), nhưng bọn anh thường mua Perfect Money. Hoặc mình có thể mua USD của tài khoản Skyway khác”, Cường nói.
Cường cho biết, sau khi thanh toán xong có khoảng thời gian lưu ký vào sổ cái của Tập đoàn. Khoảng 20 – 30 ngày sau, khi vào tài khoản Skyway thì nhà đầu tư sẽ thấy chứng chỉ, còn nếu muốn chuyển về Việt Nam thì mất thêm 10 USD.
“Bánh vẽ” sở hữu triệu đô
Tiếp dần câu chuyện về giấc mơ tỷ phú trong tương lai gần, theo lời Cường, nếu đầu tư mua cổ phiếu Skyway, đợi đến lúc lên sàn chứng khoán thì bỗng chốc đã trở thành người sở hữu triệu đô. Tuy nhiên, tôi tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi Cường: “Đến bao giờ Skyway mới IPO?”.
Cường ậm ừ và nói chưa biết thời gian chính xác, chỉ biết sau khi kết thúc 15 giai đoạn và có thể là năm 2020 – 2021. Cường trấn an: “Như Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc thành lập từ năm 1999 và đến 2014 mới IPO, tức là mất 15 năm. Bình quân 1 tập đoàn lớn, mất khoảng 4 – 8 năm mới IPO”.
“Thời điểm 2014, nhà đầu tư mua 1.000 USD thì được 1 triệu cổ phiếu, còn bây giờ thì phải bỏ 15.000 USD. Skyway kêu gọi từ 2014, thì đến 2020 – 2021 con người khổng lồ này lên sàn sẽ có 500 triệu USD. Những người mua cổ phiếu Skyway từ năm 2014 đến nay đã 5 năm, như vậy họ chờ được thì lúc đó là 7 năm. Như anh đây, anh bán cả xe ô tô và giờ mua 1.800 cổ phần”.
“Nếu lúc đầu em mua 250 USD cổ phiếu Facebook thì bây giờ đã là tỷ phú rồi. Bởi vì, lúc IPO là 0.1 USD/1 cổ phiếu và bây giờ đã lên 178 USD/1 cổ phiếu. Hiện, nếu sở hữu 2.500 cổ phiếu, tính ra em đã có 10 tỷ rồi. Cả đoạn đường 15 chặng, bây giờ đi đến 13.2 rồi mà không chờ đợi được, mình không nhìn cơ hội thì…”, Cường thở dài với giọng đầy tiếc nuối.
Để thuyết phục “con mồi”, Cường và bạn đầu tư tên Thơ không quên chém gió về những khoản lợi nhuận kếch xù khi đầu tư mua cổ phần Skyway.
Theo lời Thơ, việc giới thiệu người đầu tư dưới cấp mình được gọi là “môi giới cổ phần doanh nghiệp”. Để có được cấp bậc này, nhà đầu tư phải mua gói 10.000 USD. Nếu nhà đầu tư cấp 1 giới thiệu cho 3 người tham gia dưới mình cũng với mức tiền trên, thì họ sẽ được hưởng 15%, tương đương 1.500 USD. Ở cấp bậc 2, khi một trong 3 người đó mời được người khác vào đầu tư, thì sẽ được hưởng 4%.
Vẫn là những lời “mật ngọt” của Thơ: “Ở đây là em cho người ta cơ hội để đầu tư. Nếu em mua gói 10.000 USD trả góp trong vòng 10 tháng, mỗi tháng đóng 1.000 USD. Nếu không có đủ thì hai người có thể đầu tư chung. Nếu chỉ mua gói 5.000 USD thì tỷ lệ chỉ được 47.000 USD. Nhưng khi mua 10.000 USD thì tỷ lệ lên đến 52.000 USD”.
“Tập đoàn đang sở hữu 140 dự án cổ đông toàn cầu. Sau khi ra đời, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ các dự án đó. Nếu chúng ta muốn bán cổ phần, nó có một sàn giao dịch riêng. Khi đầu tư vào đây, chúng ta có quyền sở hữu cổ phần của tập đoàn này. Em là cổ đông và là đối tác của tập đoàn. Việc của công ty là tạo lợi nhuận hàng năm để trả cổ tức cho chúng ta”.
Ví như, vị trí một Top chuyên gia, dưới họ đã có vài nghìn nhà đầu tư. Chia sẻ thêm ở câu chuyện này, Thơ mách nước, cần phải làm thế nào để hướng họ trở thành những nhà đầu tư giống mình khi sở hữu những gói cổ phần “VIP”.
Thơ cũng không quên vỗ ngực khoe thành tích của mình: “Dưới chị đang có 1607 nhà đầu tư và họ đã đầu tư hơn 1,3 triệu USD. Chưa được một năm, chị đã được hưởng gần 2 tỷ đồng. Hiện chị đang sở hữu 20 triệu cổ phần. Chỉ cần số cổ phần này lên sàn với giá 1 USD, chị sẽ có 20 triệu USD rồi”.
Theo tìm hiểu, để sở hữu cổ phần Skyway, các nhà đầu tư trước hết lập tài khoản Skyway (trên website: https://skyway.capital/) và đăng ký mua cổ phần. Để sở hữu cổ phần Skyway nhà đầu tư thanh toán tiền USD dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tại Việt Nam thường thanh toán qua ví Perfect money, Bitcoin. Ví Perfect money, Bitcoin được nạp tiền qua tài khoản một ngân hàng tại Việt Nam.
Cụ thể, nhà đầu tư lập tài khoản ví Perfect money, Bitcoin (thông qua ví Blockchain.com) và thanh toán qua web: www.santienao.vn. Trên tài khoản của trang web này, nhà đầu tư mua USD, Bitcoin và nạp vào ví Perfect Money, Bitcoin thông qua việc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng đó.
Theo đó, đối với ví Perfect Money, nhà đầu tư phải sử dụng tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, thanh toán số tiền cần mua USD và được quy đổi trên hệ thống www.santienao.com vào một số tài khoản ngân hàng, chủ tài khoản là Edenshop.
Đối với ví Bitcoin, nhà đầu tư vẫn thanh toán qua ngân hàng trên santienao.com, chủ tài khoản là Võ Minh Tâm. Tất cả các giao dịch chuyển tiền, mua bán, trao đổi Perfect money, Bitcoin trên sàn đều được quy đổi, thanh toán qua tài khoản ngân hàng đó.
Sau khi nạp tiền vào ví Perfect Money, Bitcoin, nhà đầu tư vào tài khoản Skyway (https://skyway.capital/). Sau đó, nhà đầu tư thực hiện nạp tiền vào tài khoản Skyway qua ví Perfect Money, Bitcoin. Sau khi tài khoản Skyway có tiền USD, nhà đầu tư có thể sử dụng để mua cổ phần Skyway.
Thực hiện các giao dịch như trên, PV đã mua được các mức cổ phần khác nhau của Skyway. Và cũng từ đây, PV chính thức trở thành một nhà đầu tư, một cổ đông của tập đoàn này.
Phần 4 Vén màn bí ẩn “bánh vẽ” đầu tư cổ phần Skyway
Miếng “bánh vẽ” đầu tư mua cổ phần Skyway đang khiến giới đầu tư sốt sắng, bởi nếu như chiếc “đồng hồ cát” chảy càng nhanh thì ngày Skyway lên sàn chứng khoán càng sớm.
Và khi đó, các nhà đầu tư sẽ không còn cơ hội để hiện thực hóa giấc mơ sở hữu cổ phần có giá trị tỷ đô.
Chứng minh việc nộp tiền là gần như không thể?
Sau ngày chúng tôi đột nhập hang ổ “cò” đầu tư cổ phần Skyway, điện thoại lúc nào cũng nóng ran. Những tay đầu tư cổ phần Skyway siêu hạng kia liên tục chèo kéo, hối thúc với hứa hẹn giấc mơ trở thành tỷ phú đang ở trong tầm với.
Không phải đến khi gặp nhóm đầu tư cổ phiếu Skyway của Cường chúng tôi mới nghe được những mỹ từ như vậy. Dù trong đầu chúng tôi đã nắm bắt được phương thức hoạt động, cũng như bản chất thật sự của chiêu trò đầu tư cổ phiếu “ảo” này, thế nhưng bức tranh “sở hữu tỷ đô” vẫn hiện rõ trong tâm trí.
“Em quyết định chưa? Nhanh lên, cơ hội chỉ còn có hôm nay thôi….” Đây chỉ là một trong những câu nói mà tay cò Nguyễn Cao Cường liên tục nhắc chúng tôi, trong ngày Skyway có chương trình khuyến mãi các gói đầu tư.
Vâng! Đó là cách không chỉ Cường mà các tay đầu tư “già dơ” như anh ta vẫn thường áp dụng để lôi kéo đầu tư. Nếu đúng là một nhà đầu tư, có lẽ chúng tôi đã… sập bẫy.
Quá trình tiếp cận các nhà đầu tư cổ phiếu Skyway, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về cách thức những tay cò này chiếm được niềm tin của khách hàng. Thậm chí, có những khách hàng bỏ ra vài trăm nghìn USD để sở hữu cổ phần Skyway, mà đến chính những tay cò như Cường cũng không biết chính thức khi nào lên sàn chứng khoán.
Ngạc nhiên hơn, Tập đoàn Skyway không có trụ sở đặt tại Việt Nam. Các nhà đầu tư tiết lộ, hiện có hàng trăm nghìn người trên cả nước đang tham gia đầu tư mua cổ phần Skyway. Nói như thế để thấy, sức hút của Skyway thời điểm này lớn đến cỡ nào. Thế nhưng, cũng có nhà đầu tư đã từng tham gia và hiện đang mất phương hướng, tâm trí bị giao động về tính hiệu quả của dự án, khiến bức tranh Skyway dần xám xịt.
Tìm hiểu sâu về cách thức, các nhà đầu tư cổ phần Skyway tại Việt Nam cho biết, trước hết nhà đầu tư phải mua USD qua ví Perfect Money hoặc Bitcoin (đồng tiền ảo). Sau đó, mới dùng nó để thanh toán các gói cổ phần Skyway trên website: https://skyway.capital/.
Nhắc đến đồng tiền ảo Perfect Money hay Bitcoin, có lẽ giới đầu tư tài chính nào cũng biết. Từng có khoảng thời gian, những đồng tiền ảo này nổi đình nổi đám. Còn với việc đầu tư mua cổ phần Skyway, theo các tay môi giới đầu tư, Perfect Money hiện đang chiếm thế thượng phong.
Vậy nhưng, chiếu theo các quy định pháp luật tại Việt Nam, tính hợp pháp của những đồng tiền ảo như Perfect Money hoặc Bitcoin còn là một dấu hỏi lớn. Theo quan điểm của các chuyên gia pháp lý, các loại Perfect Money, Bitcoin,… không phải tiền và cũng không được thừa nhận là phương tiện thanh toán. Nếu có việc sử dụng các dữ liệu đó để thanh toán là vi phạm pháp luật, dẫn đến sẽ bị xử lý như: xử phạt hành chính, tịch thu tang vật.
Trên thực tế, việc mua bán (thông qua dịch vụ chuyển tiền của ngân hàng tại Việt Nam) các loại Perfect Money, Bitcoin…..thực hiện lòng vòng qua các cá nhân để hợp thức hóa dòng tiền. Do đó, chỉ cần một cá nhân bỏ trốn hay chối bỏ, thì nạn nhân chứng minh việc mình nộp tiền là gần như không thể.
Nhận hoa hồng có thể chịu trách nhiệm hình sự
Luật sư Trần Đức Phượng thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, trong vụ việc này, việc giới thiệu và phân phối cổ phiếu công khai ra công chúng, nhà đầu tư không xác định và đến nhiều chủ thể tại lãnh thổ Việt Nam, phải theo Luật Chứng khoán quy định về trình tự, thủ tục và giấy cho phép của Ủy Ban chứng khoán Nhà nước. Đối chiếu với quy định Luật Chứng khoán, các hoạt động giới thiệu và phân phối này là sai pháp luật.
Xét về nội dung, vụ việc này không đủ điều kiện để chào bán chứng khoán ra công chúng. Bởi vì dự án không có tại Việt Nam, quy định tại Điều 19 Nghị định 58/2012/NĐ-CP, quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài.
“Việc giới thiệu và phân phối cổ phiếu ra công chúng trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo Luật Chứng khoán. Không bàn đến tính khả thi của dự án mà việc quản lý nhắm đến sự công khai thông tin, thông tin chính xác, việc giám sát khi nhận tiền và sử dụng tiền sau đó phải báo cáo định kỳ với Cơ quan nhà nước. Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài thì dự án này không thực hiện tại Việt Nam nên không đủ điều kiện để chào bán chứng khoán ra công chúng. Do đó, theo quy định pháp luật, hoạt động này được xem là bất hợp pháp”, Luật sư Trần Đức Phượng đánh giá.
Cũng theo Luật sư Phượng, trong những giao dịch không rõ ràng, việc chuyển tiền lòng vòng qua nhiều cá nhân rồi mới về công ty nước ngoài thì cái sai ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những sai phạm này. Thậm chí, tiền có đến được công ty nước ngoài hay không thì vẫn chỉ là ẩn số, vì những công ty hoạt động theo kiểu này thì người điều hành hay đứng tên chỉ là bình phong, còn ông trùm thực sự thì không ai biết.
Tại một số quốc gia, Skyway đã bị cảnh báo những tiêu cực và mức độ rủi ro, không an toàn. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng dự án Skyway đang bị biến tướng. Về vấn đề này, Luật sư Phương nhận định, các hoạt động kiểu mua các mã điện tử, phương tiện thanh toán hoặc mua cổ phần, phần vốn góp của công ty nước ngoài hay bất động sản tại nước ngoài, đều là không đúng quy định pháp luật và đã được cảnh báo, khuyến nghị trong suốt thời gian qua.
“Với chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tiến hành xử lý các vi phạm về việc chào bán cổ phần của tổ chức nước ngoài ra công chúng, được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam”, Luật sư Phượng nói.
Đánh giá về cách thức hoạt động và cơ cấu chia hoa hồng từ việc đầu tư mua cổ phần Skyway, Luật sư Phượng phân tích, hình thức đa cấp đã được xác định rõ những đặc điểm là sự phân chia trích hưởng lợi. Bản thân hình thức đa cấp không vi phạm, nhưng đây là hình thức được sử dụng cho các hoạt động khác vì tính lôi kéo giữa các nạn nhân, họ vừa là nạn nhân nhưng cũng là người cùng thực hiện.
Với hình thức hoạt động của Skyway như phân tích trên là trái quy định của Luật Chứng khoán. Việc Skyway có văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với người chuyên môn luật và cơ quan Nhà nước, thì đều không có giá trị, không giải quyết được vấn đề gì.
Như đã nói, việc đầu tư mua cổ phần Skyway khi chưa rõ ràng về tính pháp lý, khiến nhiều người lo ngại đây chỉ là chiếc “bánh vẽ” mà các tay môi giới đầu tư phô trương. Thế nhưng, với sự ranh ma của mình, “bức tranh đầu tư mua cổ phần Skyway” được tô hồng và những tay “cò” đã đưa rất nhiều “con mồi” sập bẫy.
“Các kiểu ăn chia hoa hồng mà thực hiện thông qua các giao dịch bất hợp pháp thì chính người giới thiệu, người nhận hoa hồng sẽ có trách nhiệm liên đới trong vụ án dân sự. Nếu vụ án mà có đủ căn cứ để xác định vụ án hình sự, tùy theo mức độ gây hậu quả thì người giới thiệu, người nhận hoa hồng sẽ có trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm”, Luật sư Phượng khẳng định.
theo reatimes