Lạm phát, lãi suất và các cặp tiền trên thị trường forex
Trong thị trường forex, hầu như tất cả các trader đều phải quan tâm và theo dõi sát sao đến một số chỉ báo kinh tế quan trọng do đây chính là yếu tố khiến giá biến động mạnh trong các khung giờ ra tin tức của các cặp tiền tệ. Trong số hàng loạt các chỉ số kinh tế, lạm phát và lãi suất chính là hai số liệu được trader dành nhiều sự chú ý nhất. Lí do là vì cả hai dữ liệu này đều ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ của một quốc gia, từ đó tác động lên tỷ giá của các cặp tiền tệ trong forex. Dù cho bạn đang hướng theo bất kì phương pháp giao dịch nào, việc hiểu rõ lạm phát, lãi suất và mối quan hệ của chúng chắc chắn sẽ khiến bạn bao quát được xu hướng của cặp tiền tệ mà mình đang giao dịch trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Lạm phát là gì?
Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về lạm phát thông qua khái niệm và cách tính lạm phát theo tiêu chuẩn của các nhà kinh tế học. Theo các lý thuyết kinh tế vĩ mô, lạm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế tăng lên trong một thời gian nhất định. Nói cách khác, lạm phát chính là tình trạng đồng tiền của một quốc gia mất giá. Ví dụ như năm trước bạn mua một kg gạo với giá 20.000 VND, năm nay bạn mua nó với giá 25.000 VND, có nghĩa là lạm phát đã tăng 25%. Các nhà kinh tế học thường tính tỷ lệ lạm phát để biết được tỷ lệ tăng thêm hay giảm bớt của mức giá chung (hay còn gọi là chỉ số giá) trong nền kinh tế ở một thời điểm nào đó so với thời điểm trước. Lạm phát được chia thành 3 loại: lạm phát vừa phải (moderate inflation) dưới 10%/năm, lạm phát phi mã (galloping inflation) từ hai hay ba con số trở lên và siêu lạm phát (hyper inflation) là loại lạm phát bốn con số trở lên.
Lạm phát ảnh hưởng như thế nào đến tiền tệ?
Hiện nay trên thế giới, các quốc gia được chia theo từng cấp bậc phát triển khác nhau và ở mỗi cấp bậc như vậy, nền kinh tế sẽ có các mức lạm phát lí tưởng riêng biệt. Các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Canada đều đặt chỉ tiêu tỷ lệ lạm phát là 2%/năm trong khi các nước đang phát triển thì con số mục tiêu từ 5-15%/năm tùy tình hình kinh tế. Chính mục tiêu lạm phát này sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến tiền tệ của nước đó do họ sẽ đánh giá nền kinh tế dựa trên mức độ tăng giảm so với mục tiêu lạm phát.
Ví dụ, khi lạm phát quá thấp từ 0.5% trở xuống, các nhà kinh tế và Ngân hàng Trung ương sẽ đánh giá rằng nền kinh tế đang quá ảm đạm do sức mua giảm. Từ nhận định này, Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện các chính sách tiền tệ để đẩy lạm phát đến gần với con số 2% nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng họ muốn. Lạm phát lại có mối liên hệ mật thiết với chỉ số giá như đã nói; do đó, việc điều tiết lạm phát tương đương với tạo ra sự biến động trong thị trường tiền tệ của một quốc gia, làm nó tăng giá trị hoặc giảm giá trị.
Lãi suất là gì?
Khái niệm lãi suất trong thị trường forex được hiểu đơn giản là lãi suất tiền gửi ngân hàng và lãi suất cho vay. Lãi suất là một trong những công cụ của Ngân hàng Trung ương để điều chỉnh tỉ giá tiền tệ và lượng cung tiền trong thị trường. Nó cũng là một trong các yếu tố để trader xác định giá trị tiền tệ của một quốc gia trong một thời điểm nhất định. Lãi suất được Ngân hàng Trung ương đưa ra thường phụ thuộc vào các yếu tố: cung cầu về tiền tệ, kỳ hạn thanh toán, mức độ rủi ro, khả năng chuyển hóa và chi phí hành chính. Thị trường forex thường sẽ chú ý đến lãi suất thực (bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát) do nó là cột mốc để định giá các loại lãi suất khác trên thị trường tiền tệ.
Lãi suất liên quan thế nào đến lạm phát và nó ảnh hưởng gì đến tỷ giá các cặp tiền tệ?
Lãi suất chính là công cụ để điều tiết lạm phát như đã nói ở trên. Đồng thời, lãi suất cũng đóng vai trò là một trong các yếu tố quan trọng tạo ra biến động giá trong thị trường forex. Để hiểu được hai điều này, các trader chỉ cần nhớ kĩ hai logic sau:
Khi lãi suất thấp, lạm phát tăng, đầu tư từ nước ngoài tăng, nền kinh tế nhộn nhịp. Ví dụ khi lạm phát ở Mỹ là 0%, quá thấp so với mục tiêu 2%, điều này nghĩa là cầu tiền đang rất ít và nền kinh tế đang ảm đạm do người dân không chi tiêu nhiều. Cục dự trữ Liên bang quyết định giảm lãi suất. Khi đó, người dân sẽ thấy gửi tiền không còn hấp dẫn nữa và họ sẽ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đổ vốn đầu tư vào khiến lưu thông tiền tệ tăng lên. Từ đó, lạm phát sẽ tăng dần cho đến khi chính phủ cảm thấy đã đạt mức lí tưởng 2%.
Ngược lại, khi lãi suất cao, lạm phát giảm, đầu tư nước ngoài giảm, nền kinh tế hạ nhiệt. Ví dụ ở các nước có lạm phát trung bình như Việt Nam. Khi lạm phát tăng quá cao và đồng tiền mất giá quá nhiều, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các Ngân hàng trung gian tăng lãi suất. Điều này khiến lượng tiền lưu thông trong thị trường giảm, người dân muốn gửi tiền vào ngân hàng hơn là chi tiêu, từ đó tránh việc nền kinh tế phát triển nóng, lạm phát tăng không kiểm soát.
Lãi suất là công cụ được các ngân hàng trung ương sử dụng để điều chỉnh tỷ giá hối đoái trên thị trường, điều chỉnh giá trị của nôi tệ. Chính sách lãi suất cao có xu hướng hỗ trợ sự lên giá của nội tệ, bởi vì nó hấp dẫn các luồng vốn nước ngoài chảy vào trong nước, nếu lãi suất trong nước cao hơn so với lãi suất nước ngoài hay lãi suất ngoại tệ sẽ dẫn đến những dòng vốn chảy vào hay sẽ làm chuyển hóa lượng ngoại tệ trong nền kinh tế sang đồng nội tệ để hưởng lãi suất cao hơn. Điều này làm tăng cung ngoại tệ trên thị trường (cũng có nghĩa làm tăng cầu đối với đồng nội tệ), từ đó đồng ngoại tệ sẽ có xu hướng giảm giá trên thị trường, hay đồng nội tệ sẽ tăng giá. Trong trường hợp ngược lại, nếu lãi suất trong nước thấp hơn so với lãi suất nước ngoài hay lãi suất ngoại tệ, đồng ngoại tệ có xu hướng tăng giá trên thị trường hay đồng nội tệ sẽ giảm giá.
Tóm lại, lạm phát và lãi suất chính là hai nguyên nhân khiến một đồng tiền tệ trở nên mạnh hơn hoặc yếu đi so với đồng tiền còn lại trong một cặp. Chỉ cần hiểu được hai logic trên và theo dõi các dữ liệu công bố hàng tuần, hàng tháng, trader sẽ dễ dàng nắm bắt được xu hướng của cặp tiền tệ mà mình đang giao dịch và dự đoán được các tin tức công bố có thể gây “bão” trên thị trường.