Khối Lượng Giao Dịch Là Gì? Tìm Hiểu Về Khối Lượng Giao Dịch
Thông qua bài viết này, bạn sẽ nắm được: khối lượng giao dịch forex là gì và các ứng dụng thực tiễn của khối lượng giao dịch trong forex.
Khối Lượng Giao Dịch Forex Là Gì?
Theo Investopedia, khối lượng giao dịch là “số lượng cổ phiếu hoặc hợp đồng được giao dịch trên thị trường trong một khoảng thời gian nhất định”. Mỗi một giao dịch mua hay bán, nếu được thực hiện, đều đóng góp vào tổng khối lượng giao dịch. Nếu trong một ngày có tất cả 5 hợp đồng được giao dịch, thì khối lượng giao dịch của ngày đó là 5 đơn vị.
Khi nói đến Forex, cách tính toán khối lượng giao dịch sẽ có chút khác biệt. Thị trường ngoại hối là một thị trường phi tập trung, và điều này có nghĩa là sẽ không có công thức hay phương pháp để theo dõi số lượng và quy mô hợp đồng như trong thị trường chứng khoán. Thay vào đó, khối lượng trên thị trường ngoại hối được tính toán dựa vào các chuyển động Tick (Tick movements) – công cụ đo khối lượng sẽ đo lường xem giá di chuyển bao nhiêu Tick trong một khoảng thời gian nhất định thay vì tính toán số lượng giao dịch mua bán khiến giá di chuyển 1 Tick.
Như vậy, dù cho có 100 hay 10,000 giao dịch mua bán đã được thực hiện, công cụ đo khối lượng cũng chỉ ghi nhận 1 đơn vị nếu thị trường chỉ di chuyển 1 Tick.
Vì Sao Khối Lượng Giao Dịch Quan Trọng?
Khối lượng giao dịch là một chỉ báo vô cùng quan trọng trong phân tích kỹ thuật. Nó không chỉ cung cấp các manh mối về hướng đi của thị trường trong tương lai, mà còn giúp ích cho các nhà giao dịch rất nhiều trong việc tìm kiếm điểm vào/thoát lệnh.
Dưới đây là một số ứng dụng thực tiễn của khối lượng giao dịch:
- Xác nhận sức mạnh của một xu hướng: Trong một xu hướng tăng, nếu khối lượng tăng lên khi giá tăng và giảm đi khi giá hồi, thì xu hướng tăng đó là đáng tin cậy. Tương tự, trong một xu hướng giảm, nếu khối lượng tăng lên khi giá giảm và giảm đi khi giá hồi, thì xu hướng giảm đó là đáng tin cậy.
- Xác nhận sự suy yếu của một xu hướng: Trong một xu hướng, nếu giá chạm tới một mức cao/thấp mới nhưng khối lượng không xác nhận điều này, thì đây có thể là một tín hiệu cảnh báo rằng xu hướng đang suy yếu (sẽ có thể có cú hồi) hoặc có thể kết thúc (đảo chiều, hoặc chuyển sang xu hướng đi ngang).
- Xác nhận sự đột phá (Breakout): Trong một giai đoạn tích lũy, khối lượng giao dịch thường thấp. Nếu khối lượng tăng mạnh khi giá đột phá khỏi vùng tích lũy, thì cú đột phá đó nhiều khả năng sẽ thành công.
Vậy là bạn đã hiểu hơn về khối lượng giao dịch cũng như các ứng dụng thực tiễn của nó.