Khi nào xảy ra Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần kế?
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Forbes trên chương trình Money Show San Francisco, chuyên gia tài chính Peter D. Schiff – CEO của Euro Pacific Capital cho biết, ông từng đưa ra dự báo về đại khủng hoảng 2008-2009, nó đã thực sự xảy ra. Nhưng những nhân tố từng gây ra khủng hoảng lúc đó không “nhằm nhò gì” so với những nguy cơ ở hiện tại.
Với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, Hoa Kỳ chính là nơi trú ẩn tốt nhất và đồng USD cũng không hề sụp đổ trong cuộc khủng hoảng đó. Nhưng giờ đây nợ của Mỹ đã tăng gấp đôi, lên tới hơn 20 nghìn tỷ USD.
Lần này, ông Peter cho rằng Hoa Kỳ chính là tâm bão, người ta cần chạy trốn khỏi đó, chạy trốn khỏi đồng USD: “Mọi người sẽ nhận ra, Hoa Kỳ và đồng USD không còn an toàn nữa. Điểm trú ẩn tiếp theo sẽ là thị trường vàng, sẽ là những đồng tiền khác – tiền tệ của các chính phủ có nền kinh tế ổn định hơn, cán cân thương mại của họ thặng dư thay vì thâm hụt”.
Khi mới chỉ là ứng cử viên cho chức tổng thống, ông Donald Trump đã đúng khi nói rằng nền kinh tế Mỹ đang là một “bong bóng khổng lồ xấu xí”. Chỉ có điều, mọi chuyện cũng chẳng khá hơn khi ông đắc cử. Nền kinh tế vẫn thế, những con số ngụy tạo vẫn vậy, bong bóng cũng không biến mất và không may là nó sẽ nổ ngay khi ông ta đang tại chức.
Trả lời về việc tại sao “bong bóng” vẫn chưa nổ dù khoản nợ đã lên đến 20 nghìn tỷ USD, chuyên gia này nhận định: “Mọi người hỏi tôi rất nhiều về thị trường nhà đất. Họ nói tôi đề cập đến nguy cơ này mấy năm rồi tại sao nó vẫn chưa sụp đổ. Bạn biết tại sao không, vì bong bóng sẽ phình to hơn tưởng tượng của bạn rất nhiều, nhưng cuối cùng rồi nó cũng sẽ nổ thôi. Tại sao lại lâu vậy ư? Tôi không biết.
Tôi chỉ biết là bong bóng càng phình to thì nó càng nổ chậm và cả thế giới sẽ sớm hoảng loạn thôi. Họ có thể cưỡng chế lãi suất ở mức thấp, nhưng rồi cũng sẽ mất kiểm soát. Cuối cùng lãi suất sẽ tăng, mọi thứ sẽ vỡ lở.
Hoa Kỳ không thể trả nợ khi lãi suất tăng cao, thậm chí chưa cao thì bây giờ cũng không trả được rồi, vì chính phủ Mỹ phải vay tiền để trả lãi cho tiền mà họ đã vay từ trước đó. Lãi suất tăng và tiệc tàn, vậy thôi! Tuy nhiên trước khi mọi thứ sụp đổ, bạn có thể khăn gói dần”.
Để sống sót qua cuộc khủng hoảng này, Peter D. Schiff khuyên các nhà đầu tư không nên giữ vốn ở trong nước Mỹ, mà nên đầu tư vào các thị trường mới nổi khi giá ở đó vẫn còn đang rẻ. Sẽ có rất nhiều nền kinh tế được lợi khi đồng USD suy yếu. Nếu đầu tư trái phiếu, nên chọn Singapore hoặc New Zealand, nhưng hãy giữ kỳ hạn ngắn. Và tốt nhất vẫn là…vàng.