5 lý do vì sao Trader vẫn thất bại dù đã tậu được một kế hoạch giao dịch tuyệt cú mèo!
Về căn bản, một trong những chiếc chìa khóa để mở cửa thành công trong trading hẳn phải là một kế hoạch giao dịch hợp lý. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi tại sao kể cả với những kế hoạch giao dịch được cân nhắc kỹ lưỡng nhất cũng thất bại hay không?
Vâng, đó là bởi vì việc viết ra kế hoạch giao dịch của bạn chỉ là bước đầu tiên mà thôi. Bạn không thể mong đợi kiếm ra tiền một cách vi diệu chỉ bằng một bước duy nhất đó. Thật ra, có một số hành động bổ sung mà bạn phải hoàn thành để giúp kế hoạch giao dịch đó hoạt động hiệu quả… Và đôi lúc, bạn cũng phải biết khi nào vứt bỏ mọi thứ đi và bắt đầu tìm một cái mới.
Dưới đây là 5 lý do tại sao các kế hoạch giao dịch lại thất bại và cách để biết liệu nó có phù hợp với bạn hay không, cũng như cách bạn có thể làm cho kế hoạch hiện tại của mình hiệu quả hơn nhiều.
1. Kế hoạch giao dịch chưa được test đúng cách
Đây là lý do khá phổ biến…
Bạn mua một khóa học và tìm hiểu một phương pháp giao dịch. Tuyệt cú mèo! Chiến lược này hợp lý quá! Bạn viết ra các quy tắc và ngay lập tức bắt đầu giao dịch theo nó trên tài khoản real của bạn.
Nhưng không, mọi thứ không tuyệt như trong khóa học. Sau khi trade real được một tháng, bạn lỗ 10% tài khoản và từ bỏ chiến lược giao dịch. Kịch bản này nghe quen quá phải không?
Vậy thì, bạn có thể né tránh kịch bản này bằng cách test kế hoạch của mình trước khi trade tiền thật. Việc kiểm tra kế hoạch giao dịch sẽ cho bạn 3 điều sau:
- Biết được liệu chiến lược của bạn có cho thấy một kỳ vọng tích cực hay không?
- Cho bạn sự tự tin để triển khai kế hoạch.
- Biết được những kết quả bạn có thể kỳ vọng.
2. Kế hoạch giao dịch không phù hợp với tính cách và lối sống của bạn
Hãy tưởng tượng bạn hay mặc áo size L mà người yêu lại tặng cho bạn chiếc áo size S vậy! Dù thích đến mấy, nhưng bạn vẫn không thể mặc được nó! Cũng giống như vậy, một kế hoạch giao dịch không phù hợp, vừa vặn sẽ không hoạt động được!
Tuy nhiên, nhiều trader vẫn cứ khăng khăng giao dịch một chiến lược không phù hợp với tính cách và lối sống của họ. Về cơ bản, có 3 yếu tố để xác định ra tính cách giao dịch của bạn:
- Khung thời gian giao dịch
- Loại setup giao dịch
- Khả năng chịu đựng rủi ro
Nếu bạn không dành thời gian để tìm ra những điều này thì bạn vẫn có thể mất tiền với một hệ thống giao dịch tuyệt vời. Hoặc thậm chí tệ hơn, bạn có thể giao dịch trên một phương pháp không có cơ hội hoạt động hiệu quả cho bạn.
3. Kế hoạch giao dịch chưa hoàn chỉnh
Liệu có lỗ hổng nào trong kế hoạch giao dịch của bạn? Nếu có những tình huống không được lường trước thì có lẽ bạn sẽ mắc cạn như con tàu dưới đây…
Do vậy, sau đây là một số kịch bản cần xem xét:
- Bạn nên cho phép bao nhiêu tổn thất liên tiếp trước khi nghỉ ngơi và đánh giá lại hiệu suất?
- Liệu có một tình huống nào mà bạn có thể cần phải phá vỡ một vài quy tắc nhất định?
- Khi nào thì bạn không nên giao dịch (trong các sự kiện tin tức, ngày lễ, một số ngày nhất định trong tuần,…)?
- …
Không phải lúc nào bạn cũng có thể tính đến mọi kịch bản, nhưng hãy cố gắng hết sức để bao quát ngay từ đầu và để mắt đến những kịch bản mới rồi cập nhật chúng vào kế hoạch của bạn nhé!
4. Kế hoạch giao dịch không được cải tiến
Kế hoạch giao dịch được hiểu là một bộ quy tắc mà bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt để kiếm lợi nhuận theo thời gian. Thoạt nhìn, chúng có vẻ giống như những nguyên tắc được khắc lên đá, không nên được thay đổi. Nhưng thực tế là, bạn cần phải có một mức độ linh hoạt nhất định trong kế hoạch của mình. Hay nói cách khác, hãy viết mục tiêu của bạn lên đá, còn kế hoạch thực hiện hãy viết lên cát!
Một số kế hoạch giao dịch hoạt động tốt ngay trong lần thử đầu tiên, còn những cái khác thì lại cần thời gian để tiến hóa. Có một số lý do khác nhau tại sao một kế hoạch giao dịch có thể cần phải được cải tiến:
- Nó có thể trở nên tối ưu hơn, chẳng hạn như cải thiện điểm vào lệnh.
- Nó có thể cần được thay đổi cùng những sự kiện trong đời bạn (sinh con, nghỉ hưu, công việc mới,…).
- Bạn muốn đơn giản hóa quy trình.
- Điều kiện thị trường thay đổi, nên bạn cũng cần điều chỉnh chiến lược của mình.
- Bạn có thể muốn kết hợp các khái niệm giao dịch khác vào kế hoạch của mình.
Khi bạn quá cứng nhắc với kế hoạch của mình, bạn sẽ tự nhốt mình vào một mô hình có khả năng không hoạt động trong tương lai. Vâng, bạn cần phải viết ra một kế hoạch giao dịch hiệu quả, nhưng bạn cũng phải linh hoạt một chút. Chỉ cần chắc chắn rằng những thay đổi đó thực sự cải thiện kết quả của bạn trước khi thêm chúng vào kế hoạch giao dịch là được!
5. Kế hoạch giao dịch bị ảnh hưởng bởi những thói quen xấu của bạn
Các nghiên cứu cho thấy rằng có tới 45% hành vi hàng ngày của chúng ta bị kiểm soát bởi thói quen. Hãy thử suy nghĩ về điều đó trong một phút…
Gần một nửa những việc bạn làm trong ngày là kết quả của những thói quen được lập trình sẵn trong quá khứ và không phải lúc nào cũng do bạn thiết lập nên. Một trong số những thói quen này đã được tạo ra một cách có ý thức, nhưng hầu hết là trong vô thức. Nhiều thói quen là kết quả của những gì chúng ta tiếp nhận được khi còn nhỏ và khắc sâu đến mức chúng ta có thể làm ngay mà không cần suy nghĩ đến hai lần. Nhưng đây cũng chính là những rào cản tiềm năng cho thành công của bạn.
Thói quen có thể phá vỡ kế hoạch giao dịch của bạn theo 2 cách:
- Những thói quen xấu hiện có có thể ngăn bạn làm những việc cần làm.
- Việc không hình thành thói quen tốt sẽ không cho phép bạn tối ưu hóa kế hoạch giao dịch của mình.
Mình nghĩ các bạn nên viết nhật ký mọi thứ bạn làm hàng ngày. Điều này sẽ phơi bày ra những thói quen xấu và đâu là chỗ bạn cần cải thiện đấy!
Lời kết
Việc viết ra kế hoạch giao dịch là điều cần thiết để thành công trong trading, đặc biệt nếu bạn là người có xu hướng bốc đồng. Nhưng một mình kế hoạch giao dịch sẽ không làm cho bạn trở thành một trader có lợi nhuận cao.
Có rất nhiều công việc mà bạn phải làm để tận dụng kế hoạch đó thành một chiến lược có lợi nhuận nhất quán. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiếm lợi nhuận nhất quán, ngay cả với một kế hoạch giao dịch tuyệt vời, thì kế hoạch giao dịch của bạn có thể không phải là thủ phạm!